Cái thâu băng cũ của cha

Lễ này tôi không về quê. Tôi ở lai Sài Gòn với cái nóng thiêu cháy người mỗi buổi chiều trong căn phòng ngột ngạt. Buồn là chẳng may trong cơn mưa hôm trước, modem phòng tôi bị mưa dột làm hỏng. Thế là tôi trở về đồ đá trong những ngày này. May mà tôi vẫn còn kha khá sách để đọc. Tôi mở cuốn Quẩn Quanh Trong Tổ ra đọc. Tôi đọc bằng máy vì không cách nào kiếm được bản giấy của cuốn sách này.

Khu trọ đã về quê cả nên có vẻ chỉ còn tôi là kẻ duy nhất còn ở lại lúc này. Đọc một hồi thì tôi buồn ngủ quá nên tắt máy đi ngủ. Nhưng giữa cái không gian cô tịch của xóm trọ trong những giờ phút đầu tiên ngày 30 tháng 4. Tôi khó ngủ. Phòng tối đen. Tôi mở điện thoại lên, bật một bài nhạc cũ trong máy lên nghe cho dễ ngủ. Tôi mở bài Đôi Mắt Người Sơn Tây của nhạc sĩ Phạm Đình Chương do chính ông thể hiện. Giữa đêm tối mà nghe một bài nhạc cũ từ cái điện thoại lạc hậu làm tôi nhớ về những ngày xưa cũ. Những ngày khi tôi còn bé xíu nơi cố hương. Ngày đó, gia đình tôi hãy còn sống ở chợ. Nói là chợ nhưng cũng không quá ồn ã. Tối tám giờ là mọi người đóng cửa ngủ cả rồi. Không gian cũng vắng lặng như hôm nay vậy. Những lúc đó, tôi hay làm nũng bắt cha bật nhạc cho tôi nghe tôi mới ngủ. Nhà tôi khi đó chỉ có cái thâu băng cũ, nút bấm rỉ sét cả rồi. Nhà cũng không có nhiều băng mà chỉ có vài cái. Cha hay bật Thánh Ca cho tôi nghe, ngày đó tôi thích thánh ca lắm. Đôi lúc cha cũng bật nhạc xưa, mấy bài nhạc cũ rê, cũ rích mà người già hay nghe và hát theo.

Nếu biết rằng tôi đã bỏ cố hương Khoác áo đời trai binh lửa lên đường...

Hồi đó, tôi cũng hay nghe mà hát theo dù chẳng rõ ý nghĩa là gì. Chỉ biết là nghe nó thì dễ ngủ lắm. Tôi nghe và mơ màng đi vào giấc ngủ. Để sáng hôm sau, lại dậy khi nghe tiếng ồn ả của chợ sớm. Tiếng thâu băng đã im bặt từ lâu chỉ còn tiếng người, tiếng xe máy trong buổi sớm. Tiếng cha dọn đồ ra bán, tiếng mẹ gọi tôi mở đèn ôn bài. Để rồi tối tối, tôi lại đòi nghe tiếng từ cái thâu băng đó.

Tôi không sống ở chợ quá lâu. Khi tôi lên chín, gia đình tôi về vườn sống. Xa âm thanh ồn ã nơi phố chợ. Tôi còn đó sự bỡ ngỡ chưa quen nhưng những ngày đó thì tiếng thâu băng vẫn cứ vang lên mỗi đêm. Nhà tôi không có ti vi. Nên cái thâu băng đó chính là nguồn vui của cả nhà mỗi đêm xuống. Ngày đó, tôi cũng phải chuyển trường. Tôi học tiểu học ở một nơi mà mọi người đều coi thường mình. Tôi được xếp vào một lớp gồm những đứa nhóc đến từ những trường xa, không chính gốc như bốn lớp kia. Ở đây, tôi gặp được những đứa bạn đầu tiên của mình. Những đứa nhóc bọn tôi mặc kệ những ánh nhìn kia, chúng tôi vui với nhau như thể đã quen từ lớp một. Cuối năm đó, bọn tôi lẻn ra trường cấp hai mà hái cho nhau từng bông phượng lúc cuối năm, kể nhau nghe biết bao điều qua cái nhìn của những đứa nhóc mười một tuổi. Những năm đó, cha mẹ cũng khó nhọc hơn với mảnh vườn, với dòng mương, ngọn cỏ và với tôi. Dù tôi vẫn là học sinh giỏi nhưng cha mẹ lo tôi không thể theo kịp chúng bạn nên cho tôi đi học thêm. Một hôm, cha chở tôi đến nhà một cô nổi tiếng để xin học thì ông nhận lại được những lời này "Nó không học được ở đây đâu. Bọn học trò tôi chúng nó 'nhanh' lắm, thằng này theo không kịp đâu". Cha tôi chào cô rồi chở tôi lần lũi đi về, cha con tôi không nói với nhau tiếng nào. Hơn hai mươi năm rồi có lẻ, tôi vẫn nhớ như in cái cổng nhà cô giáo năm đó. Những lời đó vẫn còn đó trong tôi như một điều mơ hồ không rõ. Chỉ là… không quên được thôi. Trong những năm tháng đó, chiếc thâu băng vẫn vang lên những bài nhạc xưa mà cha mẹ thích.

Đã gần hai giờ sáng, khu trọ vẫn im ắng trừ tiếng nhạc của cái điện thoại. Tôi tự hỏi không biết rằng những ngày tôi đi tha hương cầu thực, cha mẹ vẫn còn bật thâu băng không? Mùa mưa về rồi. Tiếng nhạc từ điện thoại vẫn vang vọng trong căn phòng tối.

Đôi mắt người Sơn Tây U uẩn chiều luân lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây, buồn viễn xứ khôn khuây...

Back